Đầu tư giành nhiều HCV SEA Games và ASIAD rất khác nhau
Hai kỳ SEA Games liên tiếp,àmgìđểthểthaoViệtNamdầnthoátkhỏitụthậutạcu hno3 thể thao VN dẫn đầu bảng xếp hạng, thậm chí còn lần đầu tiên "nhất Đông Nam Á" khi không phải chủ nhà khiến nhiều người tưởng rằng thể thao VN đã thật sự vượt tầm khu vực (cũng có nghĩa sẽ thành công hơn khi ra đấu trường châu Á). Nhưng trên thực tế, tính chất của 2 sự kiện này rất khác nhau. Nếu SEA Games mang nhiều ý nghĩa hội nhập, giao lưu với những nền thể thao trong khu vực Đông Nam Á thì ASIAD lại khá tiệm cận với các cuộc cạnh tranh đỉnh cao của Olympic. Trong định hướng của Hội đồng Olympic châu Á (OCA), xu thế phát triển trong tương lai của ASIAD sẽ ngày càng mang tính Olympic hơn.
Bởi vậy, có thể khẳng định sự đầu tư để giành nhiều HCV tại SEA Games với đầu tư để cạnh tranh thành tích cao ở ASIAD là rất khác nhau. Các nền thể thao có tiềm lực tài chính lớn sẽ dễ tính toán hơn trong cách đầu tư, chuẩn bị cho 2 đấu trường ấy. Chỉ cần nhìn vào con số hơn 930 VĐV dự ASIAD 19 của Thái Lan (đông hơn cả chủ nhà Trung Quốc) đủ thấy sự đầu tư của họ lớn đến thế nào. Còn thể thao VN, nhiều người nói vui là đã dốc hết "vốn liếng" vào SEA Games 32, nên không có gì ngạc nhiên khi thành tích của VN tại ASIAD 19 thấp hơn nhiều so với nhiều nước Đông Nam Á.
CẦN SỰ THAY ĐỔI ĐỒNG BỘ
Thể thao VN chưa thể đạt được thành tích tốt như kỳ vọng tại ASIAD 19, là hệ lụy tất yếu của cả một quá trình đầu tư, phát triển thiếu sự nhất quán.
Trong bối cảnh kinh phí rất hạn hẹp, đáng lẽ chúng ta chỉ có thể lựa chọn hoặc tiếp tục hướng đến ngôi đầu SEA Games, hoặc phải giảm bớt "chỉ tiêu SEA Games" để tập trung hơn nguồn lực cho các mũi nhọn hướng tới ASIAD và Olympic. Một thông tin tốt là rất có thể trong tương lai SEA Games sẽ được điều chỉnh để… gần với ASIAD hơn, nếu có sự đồng thuận của tất cả các ủy ban Olympic quốc gia trong khu vực. Nói cách khác, trước tiên cần sự thay đổi tư duy, cả về định hướng đầu tư của thể thao nước nhà lẫn định hướng phát triển của đấu trường thể thao khu vực.
Một thực trạng nữa cần thay đổi, đó là sự chậm trễ trong xu thế xã hội hóa và thiếu sự đồng bộ trong phát triển kinh tế thể thao. Cần lắm sự rà soát, chỉnh sửa lại hệ thống quy định liên quan tới thu hút nguồn lực đầu tư, tài trợ, quảng cáo trong thể thao cho phù hợp xu thế mới - việc không phải chỉ của ngành thể thao (gồm Bộ VH-TT-DL, Cục TDTT) mà cả các bộ khác có ngành liên quan, cũng như sự tham gia tích cực của các địa phương.
Hệ thống cơ sở vật chất, đào tạo VĐV thể thao từ T.Ư tới địa phương đều cần có sự đầu tư để nâng cấp. Đặc biệt, cần sự chăm lo nhiều hơn cho các tuyến đào tạo trẻ, nâng chất từ khâu tuyển chọn năng khiếu; cùng với đó là sự đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho sự nghiệp TDTT toàn dân (trong đó, thể thao học đường là mảng rất cần được đẩy mạnh, càng sớm càng tốt).
Song song với đó, thể thao VN rất cần đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội nghề nghiệp về thể thao, cụ thể là các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia. Thực tế cho thấy chỉ một số ít liên đoàn (trong tổng số khoảng 40 liên đoàn, hiệp hội đã được thành lập) hoạt động tốt, tạo thêm nguồn lực xã hội, số đông còn rất èo uột, thiếu hiệu quả (thậm chí vẫn còn lệ thuộc vào sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước).
"Chiến lược phát triển TDTT VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đang trong quá trình phê duyệt, chuẩn bị được Chính phủ ban hành. Trong đó có nhiều thay đổi quan trọng để tạo nên xương sống cho định hướng phát triển lâu dài. Thể thao VN rất cần sự thay đổi đồng bộ và cần có thời gian để mọi thứ thẩm thấu, tạo thành điểm tựa cho sự phát triển vững chắc và lâu dài.